Tất cả thông tin về bệnh viêm xoang
1. Cấu tạo giải phẫu xoang mũi
Xoang là những hốc rỗng trong các xương sọ và mặt, có tên cùng với tên vị trí xoang. Trong khoang mũi có 8 nhóm xoang xếp thành bốn đôi cân đối hai bên hốc mũi; mỗi bên mặt có 1 xoang hàm, 1 xoang trán, 1 xoang bướm và có từ 15 – 17 xoang sàng. Thông thường bệnh nhân thường mắc một trong 02 dạng xoang chính là xoang trước và xoang sau, một số dạng nặng mắc nhiều xoang trở lên gọi là viêm đa xoang.
Nhóm xoang trước: xoang hàm, xoang sàng trước, xoang trán vây quanh hốc mắt. Nhóm xoang này đều đổ ra ngách mũi giữa, nên các xuất tiết đều đổ ra mũi trước, là vùng hô hấp của hốc mũi. Vùng này mở thông ra ngoài, dễ bị nhiễm khuẩn và dễ gây ra biến chứng mắt. Khi mới đẻ xoang sàng đã thông bào, xoang hàm còn nhỏ, xoang trán thì khoảng 4-7 tuổi mới bắt đầu phát triển. Xoang hàm có lỗ thông với hốc mũi rộng, lại liên quan nhiều đến các răng hàm trên nên các xoang trước thường bị viêm cấp tính thể nhiễm khuẩn, mủ.
Các xoang trước dễ bị nhiễm khuẩn, nên thường hay viêm mủ và các triệu chứng biểu hiện ở phía trước như nhức khắp mặt, chảy mủ ra ở cửa mũi trước, xì mũi ra mủ....
Nhóm xoang sau: xoang sàng sau và xoang bướm ở sâu dưới nền sọ, liên quan tới phần sau ổ mắt, dây thần kinh thị giác, xoang tĩnh mạch hang, tuyến yên. Xoang sàng sau đổ ra ngách mũi trên, xoang bướm đổ ra vùng khứu giác của hố mũi. Vùng này kín hơn, ít bị xâm nhập bởi nhưng nguyên nhân bệnh lý bên ngoài. Do xoang sau có lỗ thông với mũi ở phía sau khe trên nên xuất tiết thường chảy xuống họng và ít bị viêm cấp tính mà thường bị viêm mạn tính.
Các xoang sau, hay bị cương tụ và phù nề niêm mạc hơn là viêm mủ, các triệu chứng viêm xoang sau phần nhiều biểu hiện ra phía sau như là nhức gáy, đỉnh đầu, viêm họng và có đờm họng.
2. Hoạt động sinh lý bình thường của xoang mũi
Vì là các khoang xương nhẹ và rỗng trên đầu, xoang có tác dụng làm nhẹ cân nặng của đầu bạn, giảm áp lực xuống cổ, vai và thân dưới. Khoang xoang cũng đảm bảo sự cân bằng cần thiết giữa mặt và sọ, làm cho mặt được cử động thuận lợi hơn.
Trong hoạt động hít thở, các khoang xoang giúp không khí được làm ấm và làm ẩm trước khi vào phổi, cân bằng nhiệt độ với cơ thể, tránh cảm lạnh. Dòng không khí chảy vào các khoang rỗng của xoang cũng giúp cộng hưởng âm thanh, giúp việc phát âm dễ dàng và giọng nói mỗi người có sự khác biệt hơn.
Thành trong các xoang được lót bởi lớp niêm mạc lông chuyển, tiết nhầy, các lớp niêm mạc tiết nhầy luôn luôn di chuyển theo một chiều về phía lỗ thông, chúng hoạt động như những cây chổi, quét các chất nhầy, vật lạ, xác vi khuẩn ra khỏi các xoang qua lỗ thông đưa ra hốc mũi.
Bình thường các xoang đều thoáng, khô và sạch, niêm mạc tiếp xúc trực tiếp với oxy ngoài môi trường. Nếu các lỗ bị tắc, lông chuyển bị huỷ hoại, dịch nhày sẽ sản sinh nhiều mà không chuyển được ra lỗ thông. Dịch tắc lại sẽ làm môi trường cho mầm bệnh sinh sôi và từ đó gây ra viêm xoang.
3. Nguyên nhân gây Viêm Xoang
Ngày nay, khi kinh tế phát triển hơn, đô thị hóa ngày càng tăng, khí thải từ nhà máy, xe cơ giới, bụi xây dựng, nấm mốc và phần hoa cỏ là các yếu tố môi trường không thuận lợi dễ nảy sinh bệnh viêm xoang và viêm mũi dị ứng.
Nguyên nhân gây viêm xoang chia làm 02 dạng chính, một là viêm nhiễm gây ra viêm xoang cấp và thứ hai là quá trình suy yếu niêm mạc gây viêm xoang mạn tính.
Viêm xoang cấp tính là viêm niêm mạc xoang do nhiễm khuẩn từ viêm mũi, viêm họng hoặc mủ sâu răng. Nếu bạn có một cơn cảm lạnh trong khoảng 10-15 ngày mà vẫn chưa dứt, mầm bệnh có thể sẽ gây viêm xoang.
Theo William J.Hueston, Trưởng khoa Y học Gia đình (Đại học Y South Carolina, Mỹ), viêm nhiễm do vi khuẩn hiếm khi gây viêm xoang nhưng chúng lại là nguyên do dẫn tới nhiễm trùng thứ cấp. Các loại phổ biến là Streptococcus pneumoniae và Haemophilus influenzae. Những loại vi khuẩn này thường ẩn náu trong cơ thể, đợi thời cơ thích hợp là phát triển.
Viêm xoang mạn tính là trình suy yếu và không hồi phục của niêm mạc xoang, gây tiết nhiều dịch nhày và không thoát ra được. Từ đó làm viêm nhiễm mủ xoang, polyp xoang mũi.
Dạng viêm xoang mạn tính thường kéo dài nhiều năm và gây khổ sở cho bệnh nhân. Nguyên nhân gây viêm xoang mạn tính chủ yếu do thói quen sinh hoạt không tốt như dùng rượu bia thuốc lá, hay dùng máy lạnh có không khí lạnh và khô. Điều này làm suy giảm chức năng nhầy lông chuyển và làm tắc đọng dịch nhày gây viêm xoang.
Một số người bệnh có viêm xoang mạn tính do cơ địa bẩm sinh như vẹo vách ngăn, cơ địa dị ứng với phấn hoa hay một số mùi, thức ăn... cũng làm dịch nhày khó lưu thông và rất dễ dẫn đến viêm xoang.
4. Triệu chứng Viêm Xoang
4.1. Với viêm xoang trước
Các xoang trước có đặc điểm chung là đổ dịch nhày về mũi, thông ra mũi và nằm ở phía trước của đầu nên có nhưng triệu chứng điển hình sau đây:
- Đau nhức vùng mặt là dấu hiệu chính, thường đau về sáng do đêm bị ứ đọng xuất tiết, đau thành từng cơn gây nhức đầu. Đau nhức nhất là vùng quanh mắt, đau thành cơn, đau theo nhịp đập. Ấn đau ở phía dưới ổ mắt, cơn đau có chu kỳ, đúng khoảng thời gian nhất định trong ngày thường đau vào lúc từ 8 đến 11 h.
- Đau nhức có vị trí cụ thể theo vị trí xoang. Ví dụ xoang trán gây nhức khu vực lông mày và ấn đường, xoang sàng trước gây nhức dọc sống mũi và giữa 2 mắt. Xoang hàm gây nhức khu vực má phía trên răng hàm.
- Ngạt tắc mũi: tuỳ theo tình trạng viêm, ngạt tắc mũi 1 hay cả 2 bên, mức độ vừa nhẹ, từng lúc hay tắc mũi liên tục gây mất ngửi, ngạt nhiều bên đau, ngạt tăng về ban đêm.
- Chảy mũi: dịch chảy ra mũi thường xuyên, dạng nhẹ có màu trắng hoặc trong, dạng nặng chảy mũi vàng đục có mũi hôi. Đôi khi xì mạnh thường gây đau và lẫn tia máu.
- Sốt: xoang trước thường mắc do viêm nhiễm nên dạng này thường là dạng cấp, và có thể kèm theo sốt trong những đợt cấp.
4.2. Với viêm xoang sau
Các Xoang sau có đặc điểm chung là đổ ra họng và nằm phía sau đầu, xung quanh ổ mắt và dưới nền sọ não, nên có triệu chứng chung như sau:
- Đau nhức: đau nhức vùng sau đầu là dấu hiệu chính, xoang sau thường gây nhức mỏi vai gáy, nặng hơn thì nhức kéo lên trên đỉnh đầu và thái dương. Đau nhức nhiều nhất vào thời gian đi ngủ do dịch chèn vào dây thần sinh ở khu vực ổ mắt và sọ não.
- Đờm họng: thường xuất hiện nhiều và đặc vào buổi sáng, trong ngày có thể không có đờm khạc ra mà chỉ thấy có dịch nhày chảy vào trong họng gây ngứa họng và ho. Dạng nặng thường viêm họng mạn tính, viêm họng hạt và luôn khạc đờm có mùi hôi.
- Nghẹt mũi: dạng xoang sau thường không gây nghẹt mũi nhưng nếu dạng nặng hoặc nằm xuống dịch chảy ra mũi vẫn gây khó thở, nhưng thường chỉ nghẹt mũi một bên.
- Viêm họng, viêm phế quản, viêm amidan: xoang sau chảy dịch viêm liên tục xuống họng nên bệnh này bệnh nhân thường kèm theo viêm đường hô hấp mạn tính. Nếu viêm xoang không chữa dứt điểm thì những bệnh này cũng không thể hết được.
5. Biến chứng Viêm Xoang
Theo các chuyên gia y tế, biến chứng của viêm xoang thường rất nặng, có thể đe dọa đến tính mạng bệnh nhân. Viêm dây thần kinh hốc mắt, viêm họng, viêm phế quản, viêm màng não, áp-xe não, viêm tắc tĩnh mạch xoang hang, viêm xương... là các biến chứng đáng lưu ý của bệnh này. Trong đó, biến chứng mắt chiếm khoảng 80% trong các biến chứng nặng do viêm xoang gây ra, trong đó 10% trường hợp bị mù và một số trường hợp tử vong.
Biến chứng mắt thường gặp ở cả xoang trước và xoang sau, thường gặp là đau nhức hốc mắt, mắt đỏ, sưng to, có thể đẩy nhãn cầu gây lồi mắt ra phía ngoài, rò mủ. Ngoài ra bệnh nhân có thể bị viêm dây thần kinh thị giác, làm mắt nhìn mờ nhạt dần, thường âm thầm, mắt không đỏ và không có đau nhức.
Trường hợp viêm nặng, khu vực viêm có thể phát triển thành khối lớn choán đầy hốc xoang, phá hủy các thành xoang. Điều này tạo điều kiện cho vi khuẩn xâm lấn vào những cơ quan lân cận như hốc mắt, sọ não. Từ đó xảy ra biến chứng như viêm mắt, mù mắt, viêm màng não và viêm não. Nhiều người còn bị đau đầu và giảm trí nhớ do viêm xoang trán gây ra.
6. Cách khám Viêm Xoang
Để khám viêm xoang, có các phương pháp chính là: hỏi người bệnh, soi mũi, chụp x-quang hoặc CT scan.
Đầu tiên là hỏi bệnh, bệnh nhân đi khám mũi xoang thường đã có những triệu chứng rõ ràng của bệnh. Hỏi bệnh để nắm rõ thời gian mắc, diễn biến và tình trạng bệnh, ngoài ra cũng nắm được các nguyên nhân và thói quen gây bệnh.
Khi khám viêm xoang cần để ý những triệu chứng chính: dịch nhày chảy ra mũi hay họng, có màu hay mùi gì không? Mũi có nghẹt không, đờm họng thế nào? Đau nhức vị trí nào trên mặt và đầu. Những bệnh nhân nặng mắc nhiều năm dựa vào tình trạng triệu chứng cơ bản là có thể nắm được tình trạng bệnh. Để kiểm tra chính xác hơn tình trạng bệnh và các biến chứng nếu có, người bệnh nên sử dụng phương pháp tiếp theo là soi mũi.
Phương pháp soi mũi là phương pháp rất hiệu quả, dựa vào việc soi mũi có thể nắm rõ được tình trạng cấu tạo cơ bản của xoang mũi như mũi có dị dạng gì không? vách ngăn có lệch hay bình thường,..Sau đó là nắm rõ tình trạng niêm mạc có sung huyết, sưng hay viêm không và tình trạng dịch nhày trong xoang. Phương pháp này giúp kiểm tra tốt với những xoang trước, còn những xoang sau ở sâu trong hốc xoang thì sẽ khó khăn hơn.
Tiếp theo là chụp X-Quang và chụp CT scan, phương pháp này chỉ hiển thị được cấu trúc xương và những khối dịch, mủ đậm đặc. Thông tin quan trọng nhất là tình trạng niêm mạc có sưng, sung huyết trong xoang không phải lúc nào cũng hiển thị trên phim. Theo các chuyên gia, hình ảnh trên phim CT chỉ phản ánh tình trạng bệnh lý khoảng 70% số bệnh nhân. Vì vậy, có những bệnh nhân có những triệu chứng xoang điển hình nhưng khi chụp chiếu không có kết quả. Chúng tôi khuyên bệnh nhân nên khám qua triệu chứng điển hình và soi mũi để có kết quả chính xác.
7. Cách phòng tránh Viêm Xoang
Viêm xoang chủ yếu xảy ra do các thói quen xấu, nếu bạn hạn chế được các thói quen này thì bệnh sẽ tự giảm bớt khoảng 50% triệu chứng. Bát Vị Xoang gửi tới bạn những thói quen tốt để phòng tránh viêm xoang.
Không nên dùng hoặc hạn chế những chất kích thích gây viêm xoang như rượu bia, thuốc lá, thuốc lào. Hút thuốc là cách nhanh nhất để dẫn đến viêm xoang, thường là viêm xoang sau.
Bảo vệ xoang trước tiên bằng cách đeo khẩu trang trước khi ra đường và làm công việc gặp nhiều bụi bặm. Giữ môi trường xung quanh luôn sạch sẽ, tránh xa khói bụi, chất thải, khói thuốc lá...Rửa mũi hàng ngày vào sáng và tối, nên rửa bằng nước ấm sạch hoặc nước muối sinh lý nếu có điều kiện, để làm sạch, giữ độ ẩm cho mũi.
Nên tập thể thao hàng ngày, những môn như chạy bộ, Yoga giúp cho quá trình hít thở tốt hơn và giúp thoát dịch nhày tốt hơn.
Tránh hít luồng không khí lạnh, khô. Không nên để mũi đối diện trực tiếp với luồng gió của máy lạnh hoặc máy quạt khi nằm ngủ, hoặc khi ngồi làm việc. Máy lạnh nên để 27-28 độ là phù hợp. Những trường hợp thay đổi đột ngột từ quá nóng sang quá lạnh hoặc ngược lại đều có thể làm tổn thương niêm mạc mũi xoang. Cần giữ ấm khi đi ngoài trời lạnh, trời mưa, đặc biệt với những ai phải làm việc quá khuya hoặc dậy quá sớm vì đây là những thời điểm dễ bị cảm và chuyển thành viêm mũi xoang.
Tránh stress như khi làm việc quá sức, lo lắng nhiều, hệ miễn dịch của cơ thể suy yếu rất dễ bị nhiễm trùng, trong đó mũi xoang dễ bị nhiễm nhất vì là cơ quan lọc không khí trước khi đưa vào cơ thể. Bệnh có thể lây lan, vì vậy không dùng chung vật dụng cá nhân với người bị viêm xoang. Khi có các triệu chứng ban đầu như hắt hơi, chảy nước mũi, tắc mũi, cần được điều trị ngay tránh trường hợp để biến thành bệnh viêm xoang.
8. Các phương pháp thông thường điều trị viêm xoang
Phần này chúng tôi sẽ trình bày các phương pháp điều trị viêm xoang thông thường, ưu cũng như nhược điểm của các phương pháp này và giải thích nguyên nhân vì sao viêm xoang lại là bệnh rất khó điều trị dứt điểm.
8.1. Dùng thuốc kháng sinh, kháng viêm
Đây thường là loại thuốc hầu hết người mắc viêm xoang sử dụng đầu tiên và kéo dài trong nhiều năm, nhưng hầu hết chỉ đỡ trong thời gian ngắn rồi lại mắc lại. Vậy tại sao lại như vậy?
Nghiên cứu chỉ ra rằng, 98% trường hợp niêm mạc xoang viêm là do virus, không phải vi khuẩn; nhiễm khuẩn thường chỉ xuất hiện sau một thời gian dài đã có bệnh xoang.
Trong khi đó, kháng sinh không có tác dụng với virus và chỉ tác dụng với vi khuẩn. Vì vậy, dùng kháng sinh có thể đỡ trong một vài trường hợp có mủ nhưng không có tác dụng trong hầu hết trường hợp viêm xoang, dùng nhiều gây nhờn thuốc, ảnh hưởng tới sức khỏe bệnh nhân.
Đây là thông tin nghiên cứu còn mới, nên hiện nhiều bác sĩ tại Việt Nam vẫn thường kê kháng sinh cho bệnh nhân. Kháng sinh chỉ nên kê trong những trường hợp viêm cấp và có mủ, các dạng viêm mạn tính hầu như không có tác dụng.
8.2. Sử dụng các loại thuốc nhỏ và xịt thông mũi.
Các dạng thuốc này thường bao gồm các dược chất thường dùng là phenylpropanolamin, pseudoephedrin, Naphazolin. Thuốc hoạt động bằng cách làm thu hẹp các mạch máu (tĩnh mạch và động mạch) trong cơ thể, co thắt mạch máu trong các xoang, mũi và ngực cho phép thoát dịch ở các khu vực này, do đó giảm tắc nghẹt.
Thuốc giúp giảm các triệu chứng nghẹt tức thời nhưng có tác dụng phụ. Loại thuốc này dùng dưới dạng uống hay xịt, chỉ nên dùng trong vòng 7 ngày do hiện tượng lờn thuốc tạo nên vòng bệnh lý luẩn quẩn (vicious circle), gây ra tăng dịch nhày và suy yếu niêm mạc mũi dẫn tới viêm mũi mãn tính và bệnh nặng hơn.
8.3. Thông xoang và phẫu thuật xoang
Thông xoang là phương pháp giúp rút dịch nhày trong xoang rất hiệu quả, phương pháp này nếu thực hiện được điều đặn có tác dụng tốt trong việc hồi phục niêm mạc xoang. Tuy nhiên cần thực hiện thường xuyên vì chỉ cần vài ngày đến khoảng 1 tuần là dịch nhày sẽ đầy lại trong xoang.
Phẫu thuật là chọn lựa sau cùng khi các phương pháp khác đều thất bại. Hiệu quả phẫu thuật xoang ít khi trọn vẹn, khả năng phục hồi trên 80% được xem là khá tốt. Thời gian phẫu thuật khoảng 15-30 phút. Với những ca phức tạp, phải can thiệp nhiều xoang như xoang hàm, sàng, trán, bướm, thời gian phẫu thuật kéo dài khoảng 2 giờ.
Phương pháp phẫu thuật nên dùng với những trường hợp cơ địa bẩm sinh như lệch vách ngăn hoặc có những khối polyp lớn trong mũi. Với những trường hợp viêm mạn tính lâu năm thì phương pháp này thường chỉ giúp xoang ổn định trong vài tháng đến vài năm vì niêm mạc sau một thời gian sẽ lại sưng và bít kín đường thông xoang gây viêm lại. Bệnh nhân cũng nên lưu ý đến những tai biến y khoa khi sử dụng phương pháp này.
8.4. Các loại thuốc đông y
Thuốc đông y có ưu điểm là tác dụng tốt với các dạng viêm xoang mạn tính và có khả năng dứt điểm được các dạng xoang mạn tính nhưng nhược điểm là có thời gian điều trị kéo dài, từ vài tháng đến vài năm. Các triệu chứng khi điều trị với phương pháp này ban đầu có thể còn tăng lên do quá trình công thuốc đẩy dịch của thảo dược.
Thuốc đông thường có 02 dạng chính là thuốc uống và thuốc nhỏ/ xịt thảo dược. Dạng thuốc uống thường có tác dụng tốt trong việc bồi bổ cơ thể, hỗ trợ chức năng sinh lý của hệ hô hấp nói chung và hỗ trợ hồi phục niêm mạc xoang.
Với dạng còn lại là nhỏ/ xịt, thường được chiết xuất từ những cây thuốc như hoa ngũ sắc, cây giao,.. Chúng tôi lưu ý khi sử dụng dạng thuốc này cần phải dùng với nồng độ vừa phải. Nhiều người khi nhỏ các dạng thuốc này bị sốc, sót, rát hoặc chảy máu niêm mạc mũi là do nồng độ quá cao, niêm mạc bị bỏng sẽ làm tình trạng bệnh nặng hơn.
Đây là những phương pháp thông thường khi điều trị viêm xoang, bạn nên hiểu rõ những ưu và nhược điểm chúng tôi liệu kê ở trên và tham khảo ý kiến của bác sĩ trước khi chọn phương pháp nào bạn thấy phù hợp nhất
9. Ăn uống và kiêng gì khi có Viêm Xoang?
Cần kiêng những gì khi có Viêm Xoang?
Rượu bia, thuốc lá là những thói quen khó bỏ của rất nhiều người, chúng gây suy yếu niêm mạc xoang, sinh nhiều dịch nhày và thường gây ra viêm xoang mãn tính. Đây cũng là tác nhân gây ra xoang sàng sau và xoang bướm phổ biến nhất.
Thói quen không tốt cần kể đến tiếp theo đó là uống nước trong tủ lạnh, hay nước đá để giải nhiệt khi nóng, ngồi máy lạnh nhiều hoặc ra vào phòng có điều hòa liên tục. Nhiệt độ lạnh thường gây mất cân bằng sinh nhiệt cơ thể, nếu xảy ra trong thời gian dài thường làm suy yếu hệ hô hấp nói chung, không chỉ xoang mũi.
Viêm xoang rất nhạy cảm với thời tiết thay đổi, không khí quá khô hay quá ẩm và nhiệt độ nóng lạnh đột ngột. Khi dùng điều hòa, không khí trong phòng được máy lạnh lọc qua đã bị hút hết độ ẩm nên rất khô, làm mạch máu co lại. Không khí quá khô còn gây khô niêm mạc mũi, gây ảnh hưởng đến khả năng làm sạch của mũi xoang, làm gia tăng nguy cơ viêm xoang tái phát.
Ngoài ra, bạn cũng cần hạn chế và kiêng những tác nhân gây dị ứng, ví dụ như phấn hoa, bụi. Một số người có thể dị ứng với đồ tanh như tôm, cua, cá...Tùy cơ địa từng người mà người bệnh cần kiêng những tác nhân gây dị ứng của mình.
Ăn uống như thế nào tốt cho Xoang?
Về cơ bản bạn chỉ cần ăn uống bình thường, đầy đủ dưỡng chất để cơ thể có thể hồi phục. Hãy ăn uống với tỉ lệ dưỡng chất 40% tinh bột, 40% đạm và 20% chất béo để đảm bảo sức khỏe tốt. Bạn nên ăn nhiều rau, củ quả và không ăn những loại tinh bột, đường công nghiệp như bánh kẹo, mì gói, dạng tinh bột này thường đi thẳng vào máu, tăng đường huyết và dễ gây thừa cân, làm đặc dịch trong cơ thể.
Nên ăn những loại gia vị cay như gừng, ớt, hành, tỏi. Những chất trong các loại gia vị này giúp dưỡng chất được dẫn về hệ hô hấp, nên hỗ trợ bồi bổ, hồi phục tình trạng xoang, mũi, họng, phổi tốt hơn. Riêng tỏi gừng giúp làm ấm cơ thể, và cũng là chất kháng sinh kháng viêm tự nhiên.
Cuối cùng, bạn nên tập thể thao để có sức đề kháng tăng, khả năng mắc bệnh sẽ giảm và tuổi thọ cải thiện. Nên tập những môn thể thao yêu cầu hệ hô hấp và tuần hoàn hoạt động mạnh như chạy bộ, bóng đá, đạp xe, võ thuật. Nếu bạn tập trong ít nhất 03 tháng các triệu chứng viêm xoang sẽ giảm mạnh.
Viêm xoang không phải không thể chữa khỏi được, bạn nên duy trì những thói quen tốt và loại bỏ những thói quen xấu ở trên để có kết quả tốt nhất
Bát Vị Xoang xin chúc bạn sức khỏe và thành công!